Ngày 18 tháng 11 năm 2013, Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tăng cường gắn kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với thực tiễn”. Hội thảo vinh dự được đón tiếp quý vị đại biểu đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, các trường đại học và doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đến dự và đóng góp ý kiến trao đổi xung quanh vấn đề tăng cường gắn kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với thực tiễn.
Phát biểu khai mạc hội thảo GS, TS Hoàng Văn Châu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gắn kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với thực tiễn, đồng thời nêu lên những vấn đề trong gắn kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với thực tiễn của các trường đại học nói chung và của Trường Đại học Ngoại thương nói riêng. GS, TS Hoàng Văn Châu đánh giá những nỗ lực và thành tựu của hoạt động đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực khối ngành kinh tế chất lượng cao cho xã hội, nêu cao vai trò gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp đã đóng góp tích cực cho công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam cho thấy, vẫn còn một khoảng cách khá lớn giữa hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường đại học với thực tiễn. Nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động; các kết quả nghiên cứu khoa học chưa được chuyển giao và ứng dụng vào thực tiễn. Nói một cách khác, các trường đại học – tổ chức sáng tạo tri thức chưa gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp – tổ chức sử dụng tri thức để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Hiệu trưởng, GS,TS Hoàng Văn Châu cũng nêu rõ Trường Đại học Ngoại thương rất mong muốn tiếp tục mối liên kết hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn nữa để thúc đẩy phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ, thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp, tăng cường hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Phát biểu với hội nghị PGS, TS Nguyễn Phúc Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gắn kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với thực tiễn. Đây là một trong những vấn đề còn rất nhiều hạn chế ở Việt Nam và cần được quan tâm phát triển. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng đang nỗ lực hoàn thiện cơ chế, tạo điều kiện cho các trường đại học có thể gắn kết chặt chẽ hơn với thực tiễn, cả trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Cụ thể, Luật giáo đục đại học, với việc phân loại các trường đại học định hướng giảng dạy, nghiên cứu sẽ tăng thêm quyền tự chủ cho các trường trong các hoạt động của mình. PGS, TS Nguyễn Phúc Khanh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các doanh nghiệp giúp cho cơ quan quản lý có những định hướng, chiến lược phát triển lâu dài nhằm gắn kết chặt chẽ hơn nữa mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đã trình bày, chia sẻ những kinh nghiệm của hệ thống học việc châu Âu, cách tiếp cận hướng nội của Liên bang Nga,… Những mô hình trên là những gợi ý cho các trường đại học Việt Nam tiến gần hơn với thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp, bộ, ngành. Các giảng viên của trường Đại học Ngoại thương cũng đã thẳng thắn tham luận, chia sẻ về những phương thức mà các đơn vị trong trường đã thực hiện, cũng như những khó khăn trong việc gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học với nhu cầu xã hội.
Hội nghị cũng đã được nghe nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, những đơn vị đã và đang sử dụng kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường Đại học Ngoại thương. Các ý kiến phát biểu đã nhấn mạnh đến việc các trường đại học cần tập trung nâng cao năng lực tự học, tự nghiên cứu cũng như các kỹ năng cần thiết của sinh viên trong thực tiễn công việc. Các doanh nghiệp cũng khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Trường Đại học Ngoại thương trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường.
Phát biểu tổng kết, bế mạc hội thảo PGS, TS Bùi Ngọc Sơn, Phó Hiệu trường Trường Đại học Ngoại thương đã gửi lời cảm ơn tới các quý vị đại biểu đã tới dự hội thảo và đóng góp ý kiến đánh giá công tác gắn kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với thực tiễn của các trường đại học ở Việt Nam và đặc biệt ở Trường Đại học Ngoại thương. PGS, TS Bùi Ngọc Sơn ghi nhận những ý kiến của các quý vị đại biểu và sẽ xem xét để đưa vào chiến lược phát triển Trường Đại học Ngoại thương trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu.
Dưới đây là một số hình ảnh của hội thảo:
GS, TS Hoàng Văn Châu, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc hội thảo
PGS, TS Nguyễn Phúc Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo)
phát biểu ý kiến trao đổi với hội thảo
ThS. Lê Thị Phương Dung – Trường Đại học Ngoại thương trình bày tham luận “Hệ thống đào tạo học việc tại châu Âu và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” PGS, TS Vũ Kim Dũng – Trường Đại học Kinh tế quốc dân trình bày tham luận “Gắn đào tạo với hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên – Kinh nghiệm của khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân” TS. Đỗ Hương Lan – Trường Đại học Ngoại thương trình bày tham luận “Phương thức gắn kết đào tạo với thực tiễn ở các trường đại học đào tạo về kinh doanh: Một số cách tiếp cận và đề xuất” Ông Nguyễn Hồng Lam – Giám đốc Công ty TNHH Hồng Lam phát biểu trao đổi ý kiến về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường gắn kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với thực tiễn. Ông Nguyễn Hồng Cường – Công ty Great Eastern chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào để giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có thể tìm kiếm được cơ hội làm việc và đáp ứng tốt yêu cầu của đơn vị tuyển dụng. (Theo ThS. Nguyễn Hữu Thật)