Sau gần 35 năm tiến hành đổi mới và gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trong tăng trưởng kinh tế, cải thiện các vấn đề xã hội và môi trường. Nhìn lại giai đoạn vừa qua, những động lực do đổi mới mà đặc biệt là đổi mới thể chế tạo ra có vai trò quyết định đối với quá trình phát triển bền vững của Việt Nam.
Bước sang giai đoạn mới, bối cảnh phát triển ở trong và ngoài nước đã thay đổi. Bài toán phát triển bền vững ở Việt Nam đặt ra nhiều việc nhiệm vụ cần phải thực hiện: phải tháo gỡ các điểm nghẽn tăng trưởng và đổi mới mô hình để có thể tăng trưởng bền vững; phải thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội; và phải tăng cường bảo vệ tài nguyên và gìn giữ môi trường. Tiếp tục đổi mới thể chế là điều kiện không thể thiếu để thực hiện các nhiệm vụ này. Hai câu hỏi đặt ra là cần phải đổi mới thể chế như thế nào và Việt Nam có thể rút ra được kinh nghiệm gì từ thực tiễn đổi mới thể chế của các nước trên thế giới để có thể phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm.
Nhằm trả lời các câu hỏi này, ngày 12 tháng 06 năm 2019, Trường Đại học Ngoại thương và Hội đồng Lý luận Trung ương đồng tổ chức Hội thảo “Đổi mới thể chế để phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm: Kinh nghiệm của một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam”.
Tham dự hội thảo có PGS, TS Phạm Văn Linh - Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, PGS, TS Nguyễn Văn Thạo - Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, Bà Caitlin Wiesen - Giám đốc Quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, GS, TS Tetsushi Sonobe - Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia - Nhật Bản (GRIPS), GS. TS Hideaki Tanaka - Trưởng khoa Sau đại học về Quản trị Toàn cầu trường Đại học Meiji – Nhật Bản, đại diện một số cơ quan Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức trong và ngoài nước. Về phía trường ĐHNT có PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng, GS, TS Hoàng Văn Châu - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế đối ngoại, PGS, TS Đào Thị Thu Giang - Phó Hiệu trưởng, PGS, TS Lê Thị Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng, PGS, TS Vũ Hoàng Nam - Trưởng phòng QLKH, lãnh đạo một số đơn vị trong trường, các nhà khoa học, giảng viên, cán bộ, sinh viên và học viên.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS, TS Bùi Anh Tuấn khẳng định Trường ĐHNT được biết tới là một nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực kinh tế đối ngoại, kinh doanh quốc tế, tài chính – ngân hàng, luật, quản trị kinh doanh. Trường có đội ngũ các nhà khoa học có năng lực chuyên môn tốt, có uy tín đang triển khai nhiều nhóm nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực. Các nhà khoa học trong trường đã công bố nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế về “phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm” và về vai trò của “thể chế” và “đổi mới thể chế”. PGS, TS Bùi Anh Tuấn mong muốn những ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo sẽ mở ra thêm một hướng nghiên cứu mới cho các nhà khoa học ở trong và ngoài trường cũng như mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học trong nước và quốc tế, giữa các nhà khoa học, các chuyên gia với các cơ quan của Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS, TS Phạm Văn Linh nhấn mạnh đổi mới thể chế là nội dung quan trọng của các chính sách Đổi mới mà Việt Nam thực hiện từ năm 1986 và đổi mới thể chế có vai trò quyết định đối với sự thành công của Việt Nam trong hơn 3 thập kỷ qua. Câu trả lời cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới không thể thiếu nội dung này. Tuy vậy, đổi mới thể chế, phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm có nội hàm rộng, có mối quan hệ phức tạp, phụ thuộc vào nhiều điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Cho đến nay, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trên thế giới nhưng những nội dung này thể hiện cụ thể trong bối cảnh của Việt Nam ra sao là một câu hỏi lớn cần phải được làm sáng tỏ.
Các tham luận được trình bày và các ý kiến được trao đổi, thảo luận tại Hội thảo tập trung chủ yếu vào hai vấn đề: Một là, nghiên cứu kinh nghiệm đổi mới thể chế của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể là, những bài học thành công và thất bại trên thế giới trong quá trình đổi mới thể chế hướng tới phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm có thể vận dụng được ở Việt Nam như thế nào; Hai là, rút ra những khuyến nghị, đề xuất cho Việt Nam trên cơ sở bối cảnh và các điều kiện cụ thể hiện nay cũng như những triển vọng và thách thức trong thời gian tới. Cụ thể là, Việt Nam cần phải đổi mới thể chế như thế nào trong thời gian tới để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm? Những nội dung được thảo luận tại Hội thảo sẽ mở ra những chủ đề mới cho các nghiên cứu sâu hơn trong thời gian tới về định hướng và phương thức đổi mới thể chế nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, sáng tạo và bao trùm ở Việt Nam.
Các báo, đài đưa tin về Hội thảo: Báo Điện tử Đảng Cộng sản VN: http://dangcongsan.vn/…/doi-moi-the-che-de-phat-trien-ben-v…
Đài Truyền hình VN: https://vtv.vn/video/thoi-su-17h-vtv1-12-6-2019-372762.htm (từ phút 2:30 đến 3:10)
Một số hình ảnh tại buổi hội thảo
Kỷ yếu hội thảo xem tại đây