Trong khuôn khổ nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia “Nghiên cứu phát triển chương trình đào tạo và triển khai đào tạo về năng suất chất lượng cho sinh viên các trường đại học khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh của Việt Nam”, Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức giảng dạy học phần “Quản lý năng suất và chất lượng” cho hơn 80 sinh viên của Trường.
Điểm nổi bật của hoạt động giảng dạy này là ở chỗ ngoài các buổi học lý thuyết trên lớp, sinh viên được tham gia vào các hoạt động thực tiễn, gắn kết lý thuyết với thực tế tại các doanh nghiệp. Tham quan, trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp là một trong những hoạt động quan trọng nhằm gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn, giúp sinh viên cập nhật kiến thức thực tế và có cái nhìn sâu hơn về môi trường làm việc trong tương lai. Trong quá trình giảng dạy học phần, Trường Đại học Ngoại Thương đã triển khai tổ chức cho sinh viên trải nghiệm thực tiễn hoạt động quản lý năng suất và chất lượng tại Công ty Cổ Phần Đầu tư xây dựng và thương mại Ngãi Cầu, tỉnh Bắc Ninh.
Với sự điều phối của giảng viên và sự hướng dẫn nhiệt tình từ ban lãnh đạo công ty, sinh viên được giới thiệu về quy trình sản xuất cũng như hoạt động quản lý năng suất và chất lượng của Công ty Ngãi Cầu. Đây là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam về ngành cơ khí xanh. Các bạn sinh viên rất ấn tượng với hệ thống quản lý năng suất và chất lượng của công ty và đặt ra nhiều câu hỏi trong buổi trao đổi trực tiếp với anh Vũ Tất Thắng - Giám đốc nhà máy và anh Nguyễn Quang Tạo - Giám đốc kinh doanh của công ty về các nội dung liên quan tới quản lý năng suất và chất lượng, hướng tới bảo vệ môi trường và sản xuất bền vững.
Trong buổi tham quan, em Trần Thị Hoa Thu sinh viên năm 4 ngành Quản trị Kinh doanh quốc tế có những chia sẻ: “Việc đi thăm nhà máy và lắng nghe chia sẻ của Ban Giám đốc công ty giúp em hình dung rõ hơn về quy trình sản xuất thép trong thực tế và hiểu hơn về quy trình quản lý năng suất và chất lượng trong doanh nghiệp. Đây là những điều mà nếu chỉ học ở trên lớp như thông thường chúng em sẽ khó mà biết được. Em nghĩ rằng mình đã tích lũy khá nhiều góc nhìn hay và kinh nghiệm quý giá nhờ trải nghiệm thực tiễn này.”
Việc khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động, trải nghiệm thực tế như trên không chỉ góp phần tạo hiệu ứng tích cực, hào hứng trong học tập mà còn giúp sinh viên nắm được cách thức quản lý, vận hành, việc quản lý năng suất và chất lượng của một doanh nghiệp sản xuất. Từ đó, sinh viên dần hình thành văn hóa năng suất và chất lượng, hiểu được bản chất công việc của mình trong tương lai, cũng như định hình được thái độ nghiêm túc, chuyên nghiệp trong học tập. Sinh viên cũng tự đánh giá khả năng của bản thân để chủ động cải thiện, đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong nước và khu vực.
Hà Nội, ngày 18/01/2024
(Nguồn: TS. Vũ Thị Kim Oanh - Thành viên nhóm thực hiện đề tài)