Tổng kết tọa đàm "Giáo dục khởi nghiệp sáng tạo trong kỷ nguyên số: Kinh nghiệm trong nước và quốc tế" - ngày 28/5/2025
Tối ngày 28 tháng 5 năm 2025, tại phòng H303, Trường Đại học Ngoại thương và trên nền tảng trực tuyến Zoom, trong khuôn khổ thực hiện chương trình nghiên cứu “Thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam”, mã số: FTURP02-2023-09, Chương trình nghiên cứu tổ chức tọa đàm khoa học “Giáo dục khởi nghiệp sáng tạo trong kỷ nguyên số: Kinh nghiệm trong nước và quốc tế”.
Buổi tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến với sự chủ trì của PGS.TS. Lê Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo, Trường Đại học Ngoại thương. TS. Nguyễn Thu Hằng – Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo – đảm nhiệm vai trò Thư ký tọa đàm. Tham dự sự kiện có các diễn giả: ThS. Phạm Hoài Anh – Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo & Khởi nghiệp Sinh viên, Đại học Bách khoa Hà Nội, và TS. Lê Thu Trang – Giảng viên khởi nghiệp, Trường Đại học RMIT Việt Nam. Buổi tọa đàm cũng vinh dự đón tiếp các khách mời: GS. Thái Thị Thanh Mai – Giảng viên Trường Đại học HEC Montreal, Canada, Giám đốc cuộc thi Sáng tạo Kinh doanh Xã hội (Social Business Creation), và ThS. Marc Kramer – Giảng viên cấp cao chuyên ngành khởi nghiệp, Đại học VinUni. Ngoài ra, sự kiện có sự hiện diện các thành viên chương trình nghiên cứu, các giảng viên Trường Đại học Ngoại thương, và các chuyên gia, nhà khoa học trong mạng lưới VNEI, cùng đông đảo các em sinh viên quan tâm tham dự.

Mở đầu chương trình, TS. Nguyễn Thu Hằng- Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo, Trường Đại học Ngoại thương đã mang đến cái nhìn hệ thống về giáo dục khởi nghiệp ở Việt Nam và quốc tế, nhấn mạnh sự cần thiết chuyển đổi từ mô hình dạy kỹ năng đơn lẻ sang tiếp cận toàn diện, liên ngành. Tiến sĩ phân tích mối liên hệ giữa đổi mới sáng tạo, năng lực số và tư duy đổi mới – những nền tảng thiết yếu để xây dựng chương trình đào tạo khởi nghiệp hiệu quả trong giáo dục đại học.

Tiếp theo, PGS.TS. Lê Thị Thu Hà- Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo, Trường Đại học Ngoại thương đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại FTU, với Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo là hạt nhân. Điểm đặc sắc là cách FTU lồng ghép nội dung khởi nghiệp vào các học phần chính khóa và hoạt động ngoại khóa, giúp sinh viên phát triển tư duy đổi mới sáng tạo trong môi trường học thuật gắn với thực tiễn.
Nội dung thứ ba do TS. Lê Thu Trang- Giảng viên bộ môn khởi nghiệp Trường Đại học RMIT Việt Nam trình bày, tập trung vào cách tiếp cận trong giáo dục khởi nghiệp tại RMIT Việt Nam. TS. Lê Thu Trang nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp học tập dựa trên dự án, tư duy thiết kế và môi trường lấy người học làm trung tâm. RMIT không chỉ đào tạo kiến thức mà còn giúp sinh viên hình thành tư duy kinh doanh xã hội và phát triển bền vững thông qua các trải nghiệm thực tiễn và kết nối doanh nghiệp.

Khép lại phần tham luận, ThS. Phạm Hoài Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo & Khởi nghiệp Sinh viên, Đại học Bách khoa Hà Nội, trình bày tham luận về Giáo dục khởi nghiệp tại Đại học Bách Khoa. ThS. Phạm Hoài Anh giới thiệu mô hình S-R-I-I-S – hành trình 5 bước từ học tập, nghiên cứu, tham gia cuộc thi, đến ươm tạo và vận hành startup. Mô hình nổi bật với dự án Awake Drive – sản phẩm sử dụng sóng não để giám sát tài xế, từ phòng lab đến thương mại hóa nhờ sự hỗ trợ của hệ sinh thái đổi mới toàn diện tại Bách Khoa.
GS. Thái Thị Thanh Mai (HEC Montreal, Canada) chia sẻ kinh nghiệm từ Trường Đại học HEC Montreal Canada, và cuộc thi Social Business Creation (SBC), một nền tảng giáo dục dựa trên thực tiễn sáng tạo kinh doanh vì xã hội.
ThS. Marc Kramer (Đại học VinUni) chia sẻ về chương trình Agile Innovation Journey – mô hình đào tạo đổi mới sáng tạo toàn diện tại VinUni, chú trọng phát triển tư duy đổi mới, tinh thần khởi nghiệp, khả năng lãnh đạo và áp dụng các công cụ sáng tạo trong hành trình hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, đồng thời nhấn mạnh vai trò của người cố vấn và việc phản hồi trong quá trình học tập.
Tọa đàm khoa học “Giáo dục khởi nghiệp sáng tạo trong kỷ nguyên số: Kinh nghiệm trong nước và quốc tế” đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia tích cực của các chuyên gia, giảng viên, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý giáo dục và khách mời quốc tế. Sự kiện không chỉ cung cấp những tri thức cập nhật về giáo dục khởi nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số, mà còn tạo ra một không gian học thuật cởi mở để trao đổi, kết nối và định hướng hợp tác lâu dài giữa các bên liên quan.